Thứ Tư, 10 tháng 9, 2014

[Sức khỏe ] -Trao giải cuộc thi “Khát vọng yêu thương”

QĐND Online - Sáng 9-9 tại Hà Nội, Trung tâm nghiên cứu và ứng dụng về Giới – Gia đình – Phụ nữ và vị thành niên (CSAGA), Tổ chức Plan tại Việt Nam (một tổ chức phi chính phủ quốc tế phát triển cộng đồng lấy trẻ em làm trung tâm, làm việc trên 48 quốc gia) phối hợp cùng báo Gia đình và Xã hội, báo Lao động và Xã hội tổ chức tổng kết và trao giải cuộc thi “Khát vọng yêu thương” nhằm hướng tới góc nhìn nhân văn về cuộc sống của những phụ nữ bán dâm.

Cuộc thi nằm trong chuỗi hoạt động truyền thông của dự án: “Hỗ trợ nghiên cứu, xây dựng chính sách và thí điểm mô hình tái hòa nhập cộng đồng cho những thanh niên bị bóc lột tình dục tại Hà Nội”.


Ban tổ chức trao giải cho các tác giả đạt giải Nhất và Nhì.

Dự án là sự hợp tác giữa Tổ chức Plan tại Việt Nam cùng các cơ quan tổ chức và xã hội của Việt Nam bao gồm: Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội); Chi cục Phòng, chống tệ nạn xã hội thành phố Hà Nội với vai trò quản lý mô hình và xây dựng chính sách. CSAGA, Viện Phát triển sức khỏe cộng đồng ánh sáng – LIGHT và Trung tâm Dạy nghề REACH với vai trò cung cấp dịch vụ cho các chị em trong quá trình hòa nhập cộng đồng.

Bà Nguyễn Vân Anh (Giám đốc CSAGA) phát biểu: “Khát vọng yêu thương” hướng tới việc thay đổi quan điểm, cách nhìn nhận về vấn đề mại dâm cũng như việc giảm kỳ thị trong xã hội nhằm kêu gọi sự bao dung và đối xử bình đẳng đối với phụ nữ bán dâm, tạo cơ hội cho những phụ nữ bán dâm tại Việt Nam hòa nhập cộng đồng.

Sau hai tháng phát động cuộc thi (kể từ ngày 28-5 đến hết ngày 28-7-2014), Ban tổ chức đã lựa chọn ra 15 tác phẩm xuất sắc nhất để trao giải gồm: Một giải Nhất (trị giá 10 triệu đồng); hai giải Nhì (trị giá 7 triệu đồng); ba giải Ba (trị giá 3 triệu đồng) và chín giải khuyến khích (trị giá 2 triệu đồng). Các tác phẩm đoạt giải sẽ được đăng tải trên báo Gia đình và Xã hội, báo Lao động và Xã hội.

Cuộc thi đã góp phần không nhỏ trong việc mang lại cái nhìn tích cực và tiến bộ của giới truyền thông nói riêng và cộng đồng, xã hội nói chung đối với những phụ nữ bán dâm. Qua đó, người thân và cộng đồng xã hội sẽ hiểu hơn các khía cạnh trong cuộc sống của phụ nữ bán dâm, sẽ giảm những định kiến kỳ thị với họ và sẵn sàng hỗ trợ, tạo điều kiện để họ hòa nhập cộng đồng.

Các tác phẩm trong cuộc thi đã, đang và sẽ mang được tiếng nói của nhóm đối tượng thiệt thòi đến các nhà hoạch định và thực thi pháp luật, để có được các chính sách hỗ trợ phụ nữ bán dâm phù hợp và hiệu quả hơn.

Tin, ảnh: THÚY NGUYỄN


0 nhận xét:

Đăng nhận xét