Thứ Tư, 10 tháng 9, 2014

[Thế giới] -Nước Mỹ và những đổi thay sau vụ 11/9

(Xây dựng) - Sau vụ khủng bố ngày 11/9, người dân Mỹ đã trải qua nhiều cung bậc cảm xúc đan xen, từ bất ngờ, sửng sốt, đến choáng váng, căm giận và đoàn kết. Kể từ đó, nước Mỹ cũng có nhiều sự thay đổi lớn.

Ngày 11/9/2001, 19 tên không tặc cướp 4 máy bay Boeing chở khách và tấn công vào các địa điểm quan trọng của Mỹ, khiến khoảng 3.000 người thuộc hơn 90 quốc gia khác nhau thiệt mạng. Vụ tấn công đã giáng một đòn mạnh mẽ, làm chao đảo đất nước hùng mạnh nhất thế giới và khiến nó thay đổi.



Vụ tấn công vào Tháp đôi của Trung tâm Thương mại Thế giới (WTC) hôm 11/9/2001. Ảnh: Getty

Người Mỹ vốn ít quan tâm đến chính trị. Các công sở chỉ treo cờ theo luật định, nhưng những ngày này cờ tràn ngập đường phố, trên xe ô tô, taxi, ban công, cửa sổ các tòa nhà và trên tay những người hàng tối đến thắp nến ở quảng trường Union, cách WTC chừng 2 km về phía Bắc.

Trong suốt những tháng sau, mỗi ngày vẫn có hàng ngàn người tình nguyện tới thu dọn đống đổ nát của WTC mà không đòi hỏi gì nhiều. Người Mỹ dường như đoàn kết hơn, chịu đựng hơn và sẵn sàng ủng hộ nhiều biện pháp cứng rắn của Chính phủ, kể cả khi phải hy sinh một phần quyền tự do vốn được họ coi trọng. Không phải ngẫu nhiên mà tỷ lệ ủng hộ TT George Bush đã tăng vọt, từ khoảng 50% trước sự kiện 11/9 lên mức kỷ lục 90% chỉ ít ngày sau đó.



Người dân Mỹ đoàn kết hơn trong hoạn nạn. Ảnh: AP

Ngay sau vụ khủng bố, Luật An ninh nội địa đã được Quốc hội Mỹ thông qua và cùng với nó, Bộ An ninh nội địa ra đời, một trong những thay đổi lớn nhất trong cơ cấu Chính phủ Mỹ kể từ Thế chiến II. Quốc hội Mỹ cũng thông qua Luật Yêu nước, trao nhiều quyền hơn cho bộ máy thực thi luật pháp Mỹ và cho phép các cơ quan này can thiệp sâu vào nhiều khía cạnh đời tư của người dân. Ngân sách tình báo Mỹ đã tăng tới mức đỉnh điểm, lên 52,6 tỷ USD trong năm 2013.

Chính quyền Bush còn ban hành sắc lệnh cho phép Cơ quan An ninh quốc gia (NSA) được nghe trộm điện thoại và bí mật kiểm tra thư tín của những người bị nghi có liên quan đến khủng bố. Hiếm có khi nào quyền tự do của người Mỹ bị xâm phạm nhiều đến thế. Nếu không được đặt trong khung cảnh của cuộc chiến chống khủng bố, do chính TT Bush phát động sau sự kiện 11/9, thì những biện pháp này chắc chắn đã vấp phải phản ứng rất mạnh của dư luận Mỹ.




Người dân Mỹ vẫn chưa hết bàng hoàng và nỗi đau vẫn còn vẹn nguyên trong lòng khi nhớ về sự kiện 11/9/2001 (Ảnh: Reuters, AP)

Khủng bố trở thành mối đe dọa hàng đầu đối với an ninh quốc gia Mỹ. Trọng tâm chiến lược an ninh quốc gia của Mỹ thay đổi. Ngay cả đối tượng tác chiến của quân đội Mỹ được điều chỉnh phần nào. Nước Mỹ bỗng đối mặt với một kẻ thù không có quân đội và gần như “vô hình”. Hàng loạt vũ khí, trang bị hiện đại bỗng trở nên kém hiệu quả trước đối thủ mới.

Mỹ đã phát động 2 cuộc chiến tranh ở Afghanistan và Iraq nhằm xóa bỏ căn cứ địa của khủng bố. Hàng loạt chiến dịch chống khủng bố ở Nam Á, Đông Nam Á, Trung Đông và Bắc Phi cũng đã được phát động, nhằm tiêu diệt các ổ nhóm khủng bố.



Sự kiện 11/9 gây chấn động nước Mỹ và toàn thế giới (Ảnh: Reuters)

Tuy nhiên, các cuộc chiến chống lại lực lượng khủng bố, đem lại hòa bình cho người dân theo như lời Washington hứa hẹn không những không đem lại một môi trường an ninh ổn định mà thậm chí còn gây ra những tàn phá nặng nề. Chiến tranh làm hàng trăm nghìn dân thường Afghanistan và Iraq thiệt mạng, hàng triệu người phải rời bỏ nhà cửa và sống cảnh tị nạn, kèm theo những tổn thất nặng nề về kinh tế. Cuộc chiến mà theo Mỹ là chống khủng bố đã đẩy hai quốc gia Afghanistan và Iraq luôn trở thành “điểm nóng” về bất ổn trên thế giới.

Trong một khía cạnh khác, mối quan hệ của Mỹ với các nước khác trở nên hòa nhã và đa phương hơn. Washington đẩy mạnh việc tăng cường liên kết đồng minh và quan hệ đối tác giữa các cường quốc cũng như thực hiện các hành động ngăn cản nguy cơ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt.

Về lĩnh vực kinh tế, hai cuộc chiến tranh hải ngoại và suy thoái kinh tế sâu sắc kể từ Đại khủng hoảng đã gây thiệt hại nặng nề đối với Bộ Tài chính Mỹ. Thặng dư ngân sách cuối cùng của Mỹ là vào năm tài chính 2001. Nợ công hiện đã hơn 16,7 ngàn tỷ USD hay khoảng 53.000 USD/người. Nguyên nhân chính là do tăng chi tiêu cho y tế và quốc phòng cũng như cắt giảm thuế thu nhập cá nhân gần bằng khi khởi đầu chính quyền George W.Bush và giảm thu nhập hàng năm của Nhà nước từ thuế do khủng hoảng kéo dài.

Năm 2007, khủng hoảng tài chính bùng phát tại Mỹ và lan rộng. Hàng loạt tập đoàn lớn tuyên bố phá sản. Lòng tin của người tiêu dùng giảm mạnh, nền kinh tế Mỹ vốn đã rơi vào tình trạng suy thoái lại càng trở nên khó khăn hơn.



Tòa Tháp đôi từng bị phá hủy năm 2001 đã được thay thế bằng Freedom Tower với cấu trúc như ngọn giáo.

Sau 8 năm xây dựng, Tháp Tự do 104 tầng đã được mở vào đầu năm 2014 tại vị trí của Trung tâm Thương mại Thế giới cũ ở Hạ Manhattan trong khi Trung tâm Thương mại Thế giới 4 cao 72 tầng, ở phía nam, sẽ được khai trương vào tháng 11.

Tháp Tự do được thiết kế bởi kiến trúc sư tài hoa David Childs và bao gồm khu văn phòng, nhà hàng, bãi đậu xe và ban công quan sát (ở độ cao 383m) trên tổng diện tích sàn là 241.000 m2. Chi phí xây dựng nên trung tâm thương mại này ngốn hết gần 4 tỷ USD.

Một bảo tàng dưới lòng đất cũng được mở cửa vào mùa xuân và hơn 2 tòa nhà văn phòng cùng một trung tâm vận tải sẽ được xây dựng ở khu vực này. Vào tháng 6/2012, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã viết: “Chúng ta tưởng nhớ. Chúng ta tái thiết. Chúng ta trở lại mạnh mẽ hơn”.



Lầu Năm Góc đã được tu sửa xong trong vòng 1 năm sau đó. Vào năm 2008, một đài tưởng niệm đã được xây dựng cạnh tòa nhà từng bị tấn công đó.



Một tấm bia đánh dấu cuộc tấn công khủng bố 11/9 đã được đặt tại khu tưởng niệm vụ 11/9 của Lầu Năm Góc.

Hồng Nhung (Tổng hợp)


0 nhận xét:

Đăng nhận xét